Bố dại, Rộp, Đay dại (Corchorus aestuans L.)

Ngày đăng: 26/05/2017

 Mô tả: Cỏ cứng, thường hơi nằm, thân màu đỏ nhạt, nhánh có hang lông. Lá có phiến xoan bầu dục, không tai nhọn ở đáy, lá bẹ nhọn. Hoa 2-3, nhỏ, ở nách, vàng, không lông, cánh hoa 5, tiểu nhụy 25-30, noãn sào trên thư đài. Nang ôm, ốp vào thân, nở thành 3-4 mảnh, hạt nhiều.

Đặc điểm sinh học và sinh thái học: Phân bố ở Nam Trung Quốc và các nước nhiệt đới châu Á, châu Phi. Ở nước ta, cây mọc hoang ở nhiều nơi. Thường gặp trên các bãi hoang, ven các đường đi, từ vùng thấp lên đến độ cao 1000 m. Ra hoa vào mùa hè, có quả vào mùa đông.

Giá trị: Trị sưng phổi, đau bao tử. Vỏ cây cho một loại sợi dùng để dệt các mặt hàng thô hoặc làm giấy. Người ta thường lấy cả cây giã nát để tắm cho trẻ em bị bệnh sởi làm cho sởi chóng mọc và làm thuốc đòn ngã. Lá đay dại trộn với đường vàng giã nát đắp lên nhọt để rút mủ. Ngọn và lá non, vò qua, thái nhỏ thường dùng nấu canh ăn cho mát, do nó có tác dụng lợi tiểu. Dân gian cũng dùng toàn cây sắc uống trị phù thũng. Ở Ấn Độ, hạt được dùng trong bệnh viêm phổi. Ở Vân Nam (Trung Quốc), toàn cây được dùng trị bệnh sởi, lỵ, mụn nhọt lở ghẻ; lá dùng trị tê đau gân cốt; còn ở Quảng Tây, người ta dùng toàn cây làm thuốc trị đau đầu, bạch đới và trẻ em cam tích.