Ngày đăng: 29/05/2017
Cheo cheo nam dương - Tragulus javanicus
Đặc điểm nhận dạng: Loài thú móng guốc nhỏ nhất trong họ Cheo cheo Tragulidae, thân dài khoảng 0,4 - 0,5m; trọng lượng trung bình 1300 - 2300g. Dạng ngoài hơi giống hoẵng. Đực, cái đều không có sừng, không có tuyến trước ổ mắt, răng nanh mọc dài ngoài mép (đực dài hơn), thiếu răng cửa trên. Chi rất mảnh, ngón 3, 4 phát triển. Bộ lông ngắn, mịn, đồng màu nâu đỏ ở mặt trên và mặt bên, thẫm ở dọc giữa lưng, nhạt dần ở hai bên, dọc gáy có vệt lông đen. Dưới cằm và họng có 2 vệt trắng chung gốc, 1 vệt dọc giữa tự do; đuôi lông xù, mặt trên màu giống lưng, mặt dưới trắng nhạt.
Sinh học - Sinh thái
Cheo cheo ăn lá, chồi, thân non, hoa, quả, hạt, củ, cỏ, nấm và ăn côn trùng (sâu, nhộng), xác động vật.
Về sinh sản: Cheo ghép đôi vào tháng 9 - 12 hàng năm, đẻ từ tháng 1 - 9, đẻ nhiều vào tháng 5-7. Theo A. Asdell (1946) và Grasse, (1955) Cheo cheo mang thai 120 ngày, năm đẻ 1 lứa/1 con. Cheo ưa sống đơn độc, chỉ ghép đôi thời kỳ động dục, hay ở rừng thưa, cũng có ở rừng già, ưa nơi bằng phẳng, khô ráo, có nhiều bụi rậm và có tầng cỏ quyết phát triển, trú ngụ trong các gốc cây to, bụi rậm. Hoạt động chủ yếu về đêm, từ 19h - 23h, mạnh nhất 20h - 22h. Nơi vắng cũng có thể gặp Cheo vào buổi sáng ( 5h-7h).
Phân bố
Việt Nam: Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Kon tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh.
Thế giới: Ấn Độ, Nam Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia.
Tình trạng bảo tồn: VU – SĐVN (2007); IIB – NĐ 32/2006/NĐ-CP.