Ngày đăng: 31/12/2024
Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2024 - Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã tổ chức hội thảo tham vấn quan trọng nhằm lấy ý kiến cho Dự thảo Báo cáo Hướng dẫn Phân vùng các Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới. Sự kiện thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) tại Việt Nam cùng các chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các KDTSQTG trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, và áp lực từ các hoạt động kinh tế. Việc xây dựng các hướng dẫn chi tiết và phù hợp về phân vùng là cần thiết để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực này.
Sau 24 năm thực hiện Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB); đến nay Việt Nam đã có 11 KDTSQTG được công nhận với tổng diện tích hơn 4,8 triệu ha, bao gồm các vùng biển và khu vực trên đất liền.
Theo Điều 4 của Nghị quyết 28 C/2.4 về Khu Pháp lý của Mạng lưới Toàn cầu các Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới (WNBR), “khu vực phải có diện tích phù hợp để thực hiện ba chức năng của KDTSQTG”. Phân vùng KDTSQTG là bắt buộc và cần được thực hiện trước khi đệ trình hồ sơ đề cử, và thực hiện thay đổi, điều chỉnh nếu cần thiết trong suốt quá trình triển khai hoạt động của KDTSQTG cũng như báo cáo trong các đợt đánh giá định kỳ KDTSQTG.
Các phân vùng được thiết lập để giúp thực hiện 3 chức năng của KDTSQTG, các cấp độ bảo tồn thiên nhiên được coi là công cụ cần thiết và hữu ích nhưng không phải là tiêu chí phân vùng chức năng nào trong 3 phân vùng, KDTSQ bắt buộc bao gồm các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) và các khu vực dành riêng cho các hoạt động sinh kế và pát triển (vùng đệm và vùng chuyển tiếp). Kế hoạch phân vùng cần được sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan và tuân theo các quy định hiện hành của quốc gia.
Tại hội thảo, đại diện CCD đã trình bày nội dung Dự thảo Báo cáo Hướng dẫn, tập trung vào các nguyên tắc và tiêu chí phân vùng cụ thể, bao gồm:
- Vùng lõi (Core Area): Khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm bảo tồn các giá trị tự nhiên độc đáo.
- Vùng đệm (Buffer Zone): Khu vực hỗ trợ vùng lõi bằng các hoạt động bền vững như nghiên cứu khoa học, giáo dục, và du lịch sinh thái.
- Vùng chuyển tiếp (Transition Zone): Khu vực thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động kinh tế-xã hội thân thiện với môi trường.
Các chuyên gia và đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tập trung vào tính khả thi của các tiêu chí và cách áp dụng chúng trong thực tiễn tại Việt Nam. Đặc biệt, vấn đề cân bằng giữa bảo tồn và phát triển được thảo luận sôi nổi nhằm đảm bảo các khu dự trữ sinh quyển vừa duy trì được giá trị sinh thái vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Phát biểu của Đại diện Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai tại Hội thảo
Ý nghĩa và kỳ vọng
Hội thảo này là bước quan trọng trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Hướng dẫn, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những ý kiến đóng góp sẽ được CCD tổng hợp và chỉnh sửa để trình lên các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Dự kiến, sau khi hoàn thiện, Báo cáo Hướng dẫn sẽ trở thành tài liệu tham khảo quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển, từ đó thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và trên toàn cầu.
Sự kiện không chỉ là cơ hội để các bên liên quan trao đổi chuyên môn mà còn là lời kêu gọi hợp tác mạnh mẽ nhằm bảo vệ các giá trị sinh thái quý giá trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu.
Việt Anh