ĐOÀN CÔNG TÁC BAN TRIỂN KHAI DỰ ÁN BR TẠI ĐỒNG NAI LÀM VIỆC VÀ TÌM HIỂU CƠ SỞ ĐẠT ĐƯỢC CHỨNG NHẬN DU LỊCH THÂN THIỆN VỚI ĐA DẠNG SINH HỌC TẠI KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN CÙ LAO CHÀM – HỘI AN

Ngày đăng: 31/12/2024

       Từ ngày 21/12/2024 đến ngày 23/12/2024, Ban Triển khai Dự án BR tại Đồng Nai đã tổ chức đoàn công tác đến Khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) Cù Lao Chàm – Hội An để nghiên cứu và tìm hiểu về mô hình cấp chứng nhận du lịch thân thiện với đa dạng sinh học (ĐDSH). Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu DTSQ ở Việt Nam" (Dự án BR).

Thực trạng và thách thức trong phát triển du lịch tại các Khu DTSQ

Hiện nay, mặc dù các khu DTSQ có tiềm năng du lịch phong phú, song sự phát triển du lịch vẫn chưa thực sự tương xứng. Phần lớn các hoạt động du lịch tập trung vào khai thác ngắn hạn, thiếu chiến lược dài hạn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên. Việc quản lý và giám sát chưa đồng bộ đã dẫn đến nguy cơ suy giảm tài nguyên, suy thoái môi trường và mai một các giá trị văn hóa bản địa.

Đặc biệt, việc thiếu các tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá và công nhận cơ sở du lịch thân thiện với ĐDSH đã tạo ra khoảng trống trong quản lý. Điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch.

Tác động của du lịch thiếu kiểm soát

Hoạt động du lịch không được kiểm soát chặt chẽ đã để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tình trạng khai thác quá mức tại các tuyến, điểm du lịch làm gia tăng áp lực lên môi trường, từ ô nhiễm nguồn nước, xói mòn đất, đến mất cân bằng sinh thái. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa truyền thống cũng đang dần bị biến đổi do ảnh hưởng từ thị trường, dẫn đến sự suy giảm bản sắc độc đáo của các cộng đồng địa phương. Các thách thức này đòi hỏi một giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các khu DTSQ.

Chứng nhận du lịch thân thiện với ĐDSH: Giải pháp cấp thiết

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tích cực tham gia các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, việc xây dựng và ban hành quy chế cấp giấy chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện với ĐDSH trở thành một yêu cầu cấp thiết. Quy chế này không chỉ thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá và công nhận cơ sở du lịch mà còn thúc đẩy áp dụng các biện pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.

Hơn nữa, chương trình này tạo động lực cho các cơ sở du lịch cải thiện chất lượng dịch vụ, thực hiện trách nhiệm xã hội và phát triển mô hình du lịch bền vững. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn ĐDSH, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập quốc tế trong lĩnh vực du lịch xanh.

Cù Lao Chàm: Điển hình về du lịch bền vững

Việc áp dụng bộ tiêu chí và triển khai cấp chứng nhận tại Khu DTSQ Cù Lao Chàm đã giúp địa phương này trở thành hình mẫu về du lịch thân thiện với môi trường. Nhờ có chiến lược rõ ràng, Cù Lao Chàm đã thu hút lượng khách có ý thức cao về bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế du lịch và bảo tồn ĐDSH.

Mô hình cơ sở du lịch được cấp chứng nhận thân thiện với đa dạng sinh học tại đảo Cù Lao Chàm

Việc cấp chứng nhận dựa trên bộ tiêu chí cụ thể, bao gồm: đảm bảo tính pháp lý (có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), đáp ứng tiêu chuẩn an toàn (giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự) và đặc biệt là thân thiện với ĐDSH. Danh sách các cơ sở được chứng nhận là cơ sở quan trọng giúp du khách lựa chọn dịch vụ uy tín, an toàn và có trách nhiệm.

Đoàn Công tác tham quan một số mô hình phát triển du lịch dựa trên các làng nghề truyền thống

tại Hội An

Hợp tác và trao đổi kinh nghiệm

Trong chuyến công tác, Ban Triển khai dự án BR tại Đồng Nai đã có những trao đổi quan trọng với các đơn vị quản lý tại Cù Lao Chàm nhằm tìm hiểu sâu hơn về quy trình cấp chứng nhận. Đồng thời, đoàn cũng tham quan một số mô hình du lịch đã được chứng nhận, qua đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để áp dụng tại Đồng Nai.

Trao đổi kinh nghiệm về quy trình cấp Chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện với ĐDSH

Việc triển khai chương trình chứng nhận không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, khẳng định vai trò của các Khu DTSQ trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình này tại các khu DTSQ khác trên cả nước, hướng tới một ngành du lịch xanh, bền vững và có trách nhiệm.

 Việt Anh