Khỉ đuôi lợn - Macaca leonina

Ngày đăng: 29/05/2017

 

Đặc điểm nhận dạng: Là một trong những loài lớn nhất trong họ nhà Khỉ Cercopithecidae. Hai bên má lông dài, rậm, màu hung sáng phủ gần kín tai tạo thành đĩa mặt. Ở đỉnh đầu lông màu hung xẫm hoặc xám đen tạo thành “xoáy” toả ra xung quanh gần giống cái mũ. Sau trán có một mảng lông hình tam giác màu nâu đậm. Thân phủ lông dài màu xám. Lông đuôi rất ngắn giống đuôi lợn. Má có túi, chai mông lớn. Đuôi thường mập phần gốc, kém nửa chiều dài thân nhưng dài hơn 10% chiều dài thân và dài hơn bàn chân sau. Trọng lượng Con cái 4,7-10,9kg, Con đực 6,2-14,5kg .

Sinh học - Sinh thái

Tuổi thành thục sau 35 tháng. Thời gian mang thai 171 ngày. Thời gian sống 26,3 năm. Thức ăn chủ yếu là quả và hạt 73,8%, thức ăn động vật chiếm khoảng 12,2%, lá 5%, chồi non 4,1%. Hoạt động kiếm ăn ban ngày. Mùa đông trú ẩn trong các hang đá, mùa hè trú ẩn trong các hốc đá hay cành cây. Cấu trúc đàn gồm nhiều đực và nhiều cái. Sống thành đàn từ 10 - 12 con, có đàn tới 40 con hoặc nhiều hơn nữa. Nhiều lúc sống thành nhóm nhỏ 4 - 5 con. Sinh cảnh thích hợp là rừng nguyên sinh ở đai thấp hay rừng thứ sinh, rừng ngập nước, rừng khô rừng trên núi đá tới 1700m.

Phân bố

-  Việt nam: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh,Tuyên Quang, Quảng Bình,Thừa Thiên - Huế, Gia Lai; Kon tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai.

-  Thế giớiNam và Đông Nam Á.

Giá trị sử dụng

Có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học. Tình trạng hiện nay của Khỉ đuôi lợn cũng giống như hầu hết các loài trong bộ linh trưởng ở Việt Nam, chúng cũng bị săn bắn và bẫy bắt rất ráo riết làm cho số lượng ngày càng bị suy giảm.

Tình trạng bảo tồn: VU- SĐVN (2007); VU- IUCN (2007); IIB - NĐ 32/2006/NĐ-CP.